Nhìn lại hành trình phát triển của Windows – hệ điều hành tạo đế chế
Hồng Gấm
- 1220Nhìn lại hành trình phát triển của Windows – hệ điều hành tạo đế chế
Ngày nay, Windows là hệ điều hành dành cho máy tính phổ biến nhất, góp phần đưa Microsoft trở thành một trong những công ty có giá trị lớn nhất hành tinh, còn nhà sáng lập Bill Gates thì là một trong những người giàu nhất thế giới.
Trong bài viết này, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử ra đời và phát triển qua từng năm tháng của hệ điều hành Windows thông qua phần tổng hợp từ trang Pocket-lint.
Windows 1.0 (1985)
Do Microsoft làm việc trên các máy tính Apple ra đời trước máy Mac, phần lớn các yếu tố trên giao diện Windows 1.0 được Apple cấp phép. Phiên bản này còn rất sơ khai với các cửa sổ không thể xếp chồng chéo lên nhau.
Bên cạnh đó là sự hiện diện của một số phần mềm có chức năng tương tự như máy tính, lịch, đồng hồ, notepad, paint... của ngày nay. Tuy nhiên, Windows 1.0 không được phổ biến quá rộng rãi.
Windows 2.0 (1987)
Phiên bản thứ hai của Windows được cải tiến về quản lý bộ nhớ và giao diện - hai trong số những lĩnh vực quan trọng nhất của bất kỳ hệ điều hành nào.
Windows 2.0 triển khai bộ nhớ mở rộng cho các chương trình được sử dụng để chạy các thiết bị ngoại vi, hỗ trợ đa tác vụ hiệu quả hơn và bắt đầu xuất hiện cách sắp xếp cửa sổ chồng chéo lên nhau.
Đồng thời, hệ thống đã giới thiệu các phím tắt mới cũng như bộ đôi ứng dụng Excel và Word nổi tiếng đến hiện tại.
Windows 3.0, 3.1 và 3.11 (1990)
Windows 3.0 là thành công đầu tiên của Microsoft theo ý nghĩa thương mại. Công ty đã viết lại các hoạt động quan trọng và giới thiệu bộ nhớ ảo cùng card VGA, đem đến một nền tảng hiệu quả, mạnh mẽ và thực hiện công việc đồ họa tốt hơn.
Với khả năng chạy nhiều chương trình cùng một lúc tốt hơn, Windows 3.0 đã bán được 2 triệu bản trong 6 tháng đầu tiên. Con số này tăng lên thành 10 triệu trong 18 ngày tiếp theo.
Windows 95 (1995)
Windows 95 giới thiệu hình thức đa tác vụ ưu tiên trong hệ điều hành, giải pháp đảm bảo mỗi ứng dụng sử dụng CPU hợp lý trong khi chạy. Mỗi chương trình 32 bit được cung cấp một không gian địa chỉ riêng, nghĩa là một chương trình gặp trục trặc sẽ không khiến toàn bộ hệ thống bị sập.
Thông qua hai tiến bộ này, Windows ổn định hơn nhiều so với trước kia.
Windows 98 (1998)
Ban đầu, dù hỗ trợ tốt hơn cho hệ thống tệp FAT-32, được trang bị trình điều khiển phần cứng mới cho các phân vùng đĩa lớn hơn 2 GB, Windows 98 bị chỉ trích nặng nề vì sự chậm chạp và không đáng tin cậy so với bản phát hành trước đó.
Hầu hết các vấn đề đã được khắc phục trên phiên bản thứ hai ra mắt một năm sau, giúp Windows 98 nhận được phản hồi tích cực từ người dùng trên toàn thế giới.
Windows ME (2000)
Windows ME (Millennium Edition) không được đánh giá cao do thiếu ổn định và thậm chí còn được gọi mỉa mai là Mistake Edition (phiên bản lỗi).
Windows XP (2001)
Windows XP đi kèm với một số biến thể như Windows XP Home Edition và Windows XP Professional. Sau nhiều lần cập nhật, không chỉ hoạt động an toàn và ổn định, Windows XP chính là hệ điều hành Windows tồn tại lâu nhất khi được bán ra từ năm 2001 đến năm 2007.
Windows Vista (2006)
Cùng với việc giới thiệu giao diện Windows AERO bao gồm các thiết kế mạnh mẽ, hiệu quả và thẩm mỹ hơn, Windows Vista cũng tập trung vào bảo mật.
Vista đi kèm một phiên bản mới của trình duyệt Internet Explorer và trình chơi nhạc – video Windows Media Player, thế hệ trò chơi mới và bán chạy hơn XP trong tháng đầu tiên với 20 triệu bản. Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát doanh nghiệp, chỉ có 8% đối tượng hài lòng về Vista so với con số 41% của XP.
Nhiều người dùng quyết định hạ cấp trở lại Windows XP nhưng cũng có một nhóm người bảy tỏ sự hài lòng - giới game thủ. Đó là bởi vì, Vista là phiên bản đầu tiên bao gồm DirectX 10 nâng cấp đồ họa mang lại trải nghiệm chơi game thú vị hơn.
Windows 7 (2009)
Windows 7 có thời gian khởi động nhanh hơn đáng kể, các tùy chọn quản lý năng lượng tốt hơn cho người dùng máy tính xách tay và tích hợp tính năng đa chạm.
Windows 8 (2012)
Windows 8 ra mắt chỉ vài năm sau khi Windows 7 được phát hành và tiếp tục mang đến những thay đổi về đồ họa lẫn giao diện người dùng.Phiên bản mới tập trung vào các thiết bị màn hình cảm ứng. Mặc dù vậy, thiết kế giao diện của nó khiến không ít người cảm thấy bối rối, dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều.
Theo nhận định từ Pocket-lint, Windows 8 là một bản nâng cấp tốt từ Windows 7 với nhiều tính năng tuyệt vời bao gồm thời gian tải nhanh hơn. Kết quả, hơn 60 triệu bản đã được bán vào tháng 1/2013.
Windows 8.1 (2013)
Vào cuối năm 2013, Microsoft đã ra mắt Windows 8.1 - bản nâng cấp miễn phí cho người dùng Windows 8 nhằm khắc phục nhiều sự cố mà mọi người đang phàn nàn lúc bấy giờ, cụ thể là những tinh chỉnh về thiết kế giao diện người dùng, trong đó quan trọng nhất là đưa nút Start cổ điển trở lại.
Ngoài, ra Windows 8.1 còn thay đổi màn hình Start, cải tiến các ứng dụng có sẵn, làm mới thiết kế tổng thể và cho phép cài đặt trên máy tính có thông số kỹ thuật thấp hơn (bao gồm chỉ 1 GB RAM và 16 GB dung lượng lưu trữ trên ổ cứng).
Windows 10 (2015)
Vào thời điểm được giới thiệu, Windows 10 là bản nâng cấp miễn phí cho tất cả người dùng Windows 7, 8 và 8.1. Nếu Windows 8 tập trung vào trải nghiệm trên giao diện cảm ứng của máy tính bảng, Windows 10 lại đặt trọng tâm vào máy tính để bàn.Về cơ bản, Windows 10 đã mang lại sức sống cho hệ điều hành với thiết kế mới, sạch sẽ và hiện đại.
Những thay đổi lớn khác trong Windows 10 bao gồm hỗ trợ các ứng dụng phổ biến, cho phép ứng dụng chạy trên nhiều thiết bị bao gồm PC, máy tính bảng, điện thoại và Xbox One. Việc hỗ trợ nhận dạng vân tay và nhận dạng khuôn mặt cũng mang lại trải nghiệm đăng nhập thân thiện hơn.
Ngoài ra, Windows 10 còn thay đổi cách cập nhật hệ điều hành. Các bản vá, trình điều khiển và nhiều thứ khác được tải xuống và cài đặt tự động mà không cần người dùng thực hiện. Chế độ cập nhật tính năng thường xuyên từ Microsoft giúp hệ điều hành liên tục được cải thiện.
Xem thêm: Thay ép mặt kính iPhone giá rẻ, thay màn hình iPhone giá rẻ