5G đang đến rất gần và đây là những điều mới nhất bạn cần biết
Hồng Gấm
- 9405G đang đến rất gần và đây là những điều mới nhất bạn cần biết
Không có gì ngăn cản cuộc cách mạng 5G, đặc biệt khi mọi người đều đang hướng tới công nghệ mạng di động mới này. Từ các nhà mạng, nhà sản xuất smartphone cho đến các công ty sản xuất chip, mọi người dường như đều muốn đẩy nhanh tiến trình thương mại hóa mạng 5G.
Chắc chắn sẽ có rất nhiều câu hỏi về mạng 5G mà nhiều người cần có câu trả lời, ví dụ như 5G là gì, nó dùng để làm gì và phục vụ cho cuộc sống thế nào? Dưới đây là một số câu trả lời.
5G là gì?
Nói 1 cách đơn giản, 5G có nghĩa là công nghệ mạng không dây thế hệ 5, trước đó là 4G. Những cái tên có 2 ký tự đó đã trở thành điểm nhấn cho các công nghệ được triển khai với tiêu chuẩn tương đương, như CDMA, GSM, HSPA, UMTS, và LTE. Tóm lại, 5G liên quan đến việc sử dụng các dải tần số cao hơn để hỗ trợ tốc độ nhanh hơn, độ trễ thấp hơn, nhiều thiết bị hơn.
Đương nhiên, lợi ích lớn nhất của 5G là tốc độ. Xét cho cùng, tốc độ tối đa về mặt lý thuyết của 5G là 20 Gbps, gấp 10 lần so với tốc độ 2 Gbps của modem Qualcomm Snapdragon X24 LTE. Ngay cả khi 5G chỉ kết nối với tốc độ 10 Gbps trong thế giới thực thì đó cũng là một bước tiến vượt bậc, ngang với tốc độ của Wifi 802.11 ax mới nhất.
Tuy nhiên, tốc độ chưa phải là lợi ích duy nhất mà 5G mang lại. Kết nối, giao tiếp với độ trễ thấp cũng là yếu tố quan trọng với tiêu chuẩn mới, 5G dự kiến đạt độ trễ chỉ 1 ms (mili giây). Điều này rất quan trọng, không chỉ với những trò chơi mà còn thiết bị IoT, xe thông minh. 5G cũng có thể hỗ trợ nhiều thiết bị kết nối cùng lúc, đây là một công nghệ mạng cần thiết cho sự bùng nổ các thiết bị và phương tiện kết nối mạng trong tương lai.
Nhược điểm của 5G là gì?
Nghe mọi thứ rất tốt nhưng vẫn phải có sự đánh đổi. Các dải tần số cao hơn chính là điều mà 5G yêu cầu, từ 3 đến 30 GHz, thậm chí 300 GHz, chỉ có thể kết nối ở khoảng cách gần và thậm chí dễ bị nhiễu hơn bởi thời tiết, các vật cản. Đó là lý do tại sao các nhà mạng muốn thực hiện triển khai 5G sẽ phải tạo ra nhiều ăng ten di động hơn, khoảng cách ngắn hơn.
Mặt khác, nó không phải là các ăng ten cao chót vót như những cột ăng ten 4G.
Với những tần số 5G thấp hơn 6 GHz, nó có thể truyền tải dữ liệu đáng tin cậy hơn ở khoảng cách xa hơn, nhưng lại không đạt được tốc độ 5G thực sự.
5G sẽ thay thế Wifi băng thông rộng?
Tốc độ cao, độ trễ thấp sẽ khiến nhiều người hỏi liệu đây có phải là tương lai của kết nối mạng băng thông rộng tại nhà hay không? Câu trả lời là “vừa có, vừa không có”. Wifi là một tiêu chuẩn riêng biệt, đang tiến lên ở một tốc độ riêng biệt và được sử dụng cho các trường hợp khác. Hiện tại, chuẩn Wifi nhanh nhất là 802.11 ax, cũng nhanh như tốc độ 5G, đo được ở mức 10 Gbps.
Xem xét giới hạn không gian, độ ổn định của nó thì 5G còn lâu mới có thể thay thế Wifi. Bạn có muốn kết nối bị gián đoạn khi thời tiết thay đổi?
Đối với băng thông rộng, theo 1 cách nào đó có thể xem là băng thông rộng về mặt kỹ thuật. Ngoài ra, không phải thiết bị nào cũng đủ điều kiện để trực tiếp dùng mạng 5G.
Các nhà khai thác có thể kéo cáp quang đến các trạm phát 5G, sau đó trạm phát 5G “mẹ” sẽ truyền tín hiệu tới các trạm 5G “con” để từ các trạm nhỏ này có thể chuyển tín hiệu 5G tới các thuê bao. Ở đó, các thiết bị chuyên dụng sẽ chuyển đổi tín hiệu 5G thành tín hiệu Wifi mà bất kỳ thiết bị nào cũng có thể kết nối như bình thường, ít nhất là cho đến khi mọi thiết bị đều có thể bắt trực tiếp sóng 5G. Điều đó cho thấy một hệ thống 5G sẽ phải chịu những hạn chế nhất định.
Sau thời gian sử dụng, 5G có thể thay thế Wifi ở một số trường hợp nhất định, nơi mà nó có thể phát huy hiệu quả hơn. Các thiết bị IoT không cần kết nối Internet liên tục có thể sử dụng 5G. Các thành phố thông minh, xe thông minh có thể dùng 5G vì nó có độ trễ thấp…
Điện thoại nào tương thích với 5G?
Về mặt kỹ thuật, lúc này, trên thị trường chưa có smartphone nào hỗ trợ kết nối 5G, nhưng các hãng sản xuất đã tuyên bố sẽ tung ra smartphone 5G vào đầu năm sau, ngoại trừ Apple. Đặc biệt, Motorola đã ra mắt Moto Z3 với phụ kiện Moto Mod 5G.
Smartphone 5G đầu tiên có thể đến từ Samsung (không phải OnePlus). Về lý thuyết, Snapdragon 855 mới ra mắt tích hợp modem X50 5G sẽ trở thành 1 tùy chọn cho các nhà sản xuất nếu muốn ra mắt smartphone 5G. Nhưng với iPhone, điều đó có thể không xảy ra trong năm 2019.
Một lý do cho việc chưa phổ biến thiết bị 5G có thể là do chi phí. Mặc dù Qualcomm đã tích hợp 5G vào chip Snapdragon 855 nhưng đó là 1 tính năng mà các nhà sản xuất phải trả thêm tiền, do đó, người dùng cũng phải trả thêm. CEO OnePlus – Pete Lau cho rằng, người dùng phải trả thêm 200-300 USD. Điều này còn chưa kể tới việc hóa đơn mạng di động 5G cao hơn so với LTE.
Khi nào chúng ta có mạng 5G?
Chắc chắn sự phổ biến sẽ không phải trong năm 2019. Hay đúng hơn, làn sóng sẽ bắt đầu với một vài gợn sóng, chỉ một số ít may mắn được trải nghiệm 5G. Nhà mạng Verizon có kế hoạch triển khai 5G từ tháng 10 năm ngoái nhưng bây giờ vẫn chưa thực hiện. AT&T đưa kế hoạch ra mắt dịch vụ 5G cho smartphone vào cuối năm nay, nhưng đến nay mọi thứ vẫn khá yên ắng, cho dù chỉ vài tuần nữa là hết năm 2018. Cả T-Mobile và Sprint đều có kế hoạch triển khai 5G vào năm sau. Mà đó là chưa kể tới các smartphone có thể tương thích mạng 5G.
Và đó cũng chỉ đang nói tới thị trường Mỹ. Các thị trường khác như Úc, Canada, Trung Quốc, Anh, Hàn Quốc đều đang thực hiện các công việc của riêng họ để triển khai 5G. Xem xét tới thời gian phổ biến mạng 4G như hiện nay, thì việc triển khai 5G rộng rãi ít nhất phải đến năm 2020, lúc đó cũng có thể kịp cho iPhone 5G.
Kết luận
Mặc dù tốc độ mạng 4G còn chưa được khai thác triệt để nhưng sự thay đổi là không thể tránh khỏi. 5G không chỉ tăng tốc độ và băng thông, nó còn sở hữu nhiều khả năng khác mà 4G không có.
Nhưng việc phổ biến 5G sẽ không thể nhanh chóng trong 1 năm, nó đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Chưa kể chi phí mà người tiêu dùng sẽ phải trả cho các thiết bị 5G và cả dịch vụ 5G từ các nhà cung cấp. Không nghi ngờ gì nữa, 5G sẽ sớm ra mắt nhưng nó sẽ không sớm phổ biến.
Xem thêm: iPhone bị đen màn hình mà vẫn có tiếng làm sao khắc phục
Nguồn: Slashgear